Quán net bình dân, nơi đó có cả bầu trời kỷ niệm

“Quán net tiền tỷ” đôi khi là một khái niệm về không gian nhưng quán net bình dân là một khái niệm văn hóa. Đó là cảm nhận của tôi, khi nhớ về một thời chơi net của đời game thủ ngắn ngủi.



Với nhiều game thủ, là nam, xu hướng tận hưởng không khí chơi game trong quán net, với anh em hay một mình, đều cho họ một cảm giác thú vị theo cách rất riêng, sau nhiều năm trưởng thành với cuộc đời.

Với không gian đặc quánh mùi “game thủ”, nơi đó cho họ được bộc lộ từng lớp cảm xúc của bản thân mà khó thể hiện được khi ở nhà (nếu có máy, có mạng, có game). Đó là được la hét, giỡn cợt, đập bàn… phím, con chuột, cùng những ngôn từ trần tục thế gian, rất đời, rất con người, và rất game thủ.

Hẳn nhiên hình ảnh vừa nêu, cũng có với phần đông phụ nữ khi chơi game, nhưng khác một chỗ, quán net là nơi ít được họ chọn làm chỗ trú ẩn cảm xúc, khi trải nghiệm cùng game (sợ dị nghị về giới tính, nhà vệ sinh dơ bẩn, bọn con trai mất lịch sử hay phì phèo khói thuốc lá, và nhất là trêu ghẹo họ) – tất nhiên đây là suy nghĩ của nhiều năm trước, khi khái niệm “net tiền tỷ” (cyber) chưa được phổ biến ở Việt Nam trong các thành phố lớn. Còn giờ, quán net bình dân cũng dần đi vào quá khứ, chừa chỗ cho những cyber với không gian chơi game đặc sắc về không gian, cá tính về văn hóa trải nghiệm, và đủ đầy chất game thủ trong từng ngóc ngách.

Chưa kể, hệ thống mạng dẫn, và trang thiết bị máy móc để phục vụ những game online/offline với cấu hình hợp thời đại, là những điểm nổi trội để hấp dẫn người chơi, dù đó là nam, hay nữ.
Món mì trứng xúc xích là món ăn thân thuộc của những ai đã từng gắn liền với các quán net bình dân.
Còn nhớ về quá khứ, những năm tháng khó khổ, hình ảnh được ngồi chơi số ít game offline đơn giản tại quán net, chat chit trên Yahoo và comment thảo luận qua các diễn đàn (forum) khi Facebook, Youtube chưa phổ biến, là số ít khoảnh khắc thư giãn tuyệt vời và đầy ao ước của bao lứa học sinh những năm 2007, 2008, và 2009 khi đó.




Còn giờ ra quán net, ngoài việc được liên kết cộng đồng trong game đang mê, người chơi còn lập ra những mục tiêu cho bản thân như lập đội thi đấu chuyên nghiệp (nếu là eSports), hay mở hội để offline (nếu là game kiếm hiệp), và bày nhiều trò ngoài đời thực để vui hơn, nhiệt hơn chứ không loay hoay ở mức online, trong game. Rồi thời gian gần đây, quán net được nâng tầm mới, đó là nơi trú ẩn an toàn cho những đêm ròng cày cuốc, ngủ nghỉ, và cả… làm bài tập về nhà.

Và đã từ lâu, hai từ “chơi net” thường được dùng câu cửa miệng khi người ta rủ rê đám bạn, đám bè, anh chị em, và cả người thân mình khi có dịp tới quán net. Có khi chơi game, có khi net đêm, và có cả những lúc xem phim, nghe nhạc, hay lướt mạng xã hội để cho qua đi thời gian rảnh rỗi.

Hình ảnh gợi lại một thời “canh me” quán net mở cửa vào… sáng sớm.
Nhưng thời xưa, những năm mà các game kiếm hiệp còn chưa được thịnh hành trong các quán net bình dân (như Võ Lâm Truyền Kỳ (VLTK), thì người ra chẳng biết lấy lý do nào để rủ ai đó đi cùng, chỉ biết lủi thủi một mình vào đó, chơi net, và tận dụng từng phút để tương tác với giàn máy, không bao giờ bỏ phí dù chỉ một giây. Thời đó chưa có tạo tài khoản giờ chơi, cứ vào mở máy cùng câu cửa miệng: “Anh/Chị ơi, mở em máy số 6 hoặc số 9”, rồi họ mở máy, chơi xong ra tính tiền theo cách thủ công, tuy phức tạp nhưng đầy kỷ niệm, nhất là khi cúp điện bất chợt, là khoảnh khắc mà nhiều game thủ khi đó nhớ nhất, có người thích vì có dịp bùng tiền giờ chơi (Cười).

Lúc về cảm giác vẫn còn lâng lâng, nhớ nhớ. Dù là người trả tiền đầy đủ, hay thiếu, hay bùng.

Còn giờ thì khác, ra net mở tài khoản, có khi không biết làm gì chỉ ra như một thói quen, ngồi đó lướt chỗ này chỗ kia trên mạng, vào game chơi vài trận rồi thoát, chẳng biết làm gì nhưng vào “điểm danh” mỗi ngày, thiếu hơi là nhớ, mà không chơi thì buồn.

Các cyber tạo ra văn hóa về không gian, nhưng vẫn còn gì đó về khoảng cách…
Nói về văn hóa ở quán net, thì với khái niệm hồi xưa, chỉ đơn giản là có một dàn máy tầm 10 – 16 cái, ghế nhựa toàn bộ hoặc sang lắm thì ghế sắt có lót miếng mút xốp ngồi cho êm, thêm vài cái quạt máy, một cái máy tính tiền, là xong một quán net bình dân. Nhưng là kỷ niệm bao năm đi theo, nếu đã một thời gắn liền cùng quán net. Nơi đó có tình cảm anh em, huynh đệ, có tô mì (mì ăn liền) một vắt, có ly xá xị, sting, vậy là đủ cho một trời kỷ niệm khi gợi về hai từ, quán net.

Còn giờ, ra cyber, chơi cũng vui và thoải mái vô cùng, vì dàn máy xịn, ghế êm, bàn phím gõ nhẹ, con chuột cũng nhẹ tênh, và cùng dịch vụ chăm sóc khách hàng khá tốt, người chơi được nâng lên thành “thượng đế”. Có cả quầy lễ tân để tiếp khách, có khu ngủ, khu nghỉ lưng, và không khác gì một cái “nhà” thứ hai khi lui tới. Nhưng lạ lắm, nơi đó ít khi có những kỷ niệm đậm đà, thân thuộc như hồi ra net bình dân, cũng chẳng biết sao. Chắc là giờ vào chơi game dễ, mọi thứ quá dễ dàng, thoải mái và tiện nghi, đôi khi cũng làm bản thân lờn lờn, ít khi nhớ rõ, về nơi đó.

Những quán net bình dân là nơi tạo ra nhiều mối quan hệ xã hội, mà người đời gọi là “huynh đệ” (anh em).

“Quán net tiền tỷ” (tạm gọi: cyber game) đôi khi là một khái niệm về không gian, nhưng quán net bình dân là một khái niệm văn hóa. Một người chơi cyber này sang cyber khác, từ phòng public này sang phòng vip khác chỉ gợi lên sự di chuyển về tiện nghi vật chất, nhưng một game thủ đi từ máy này sang máy khác (vì máy cùi, bị lỗi) trong một quán net bình dân, hay cảm giác mong tan học để cùng anh em làm trận Đột Kích, đánh DOTA, nhảy Audition, vận lương Phong Thần, hay công thành chiến VLTK… lại gợi nhiều kỷ niệm, thật sâu đậm trong lòng game thủ.



Theo Gamek